Ngành Lao động, Thương binh và Xã hội chủ động, tích cực thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới

Những năm qua, phong trào xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh diễn ra sôi nổi, rộng khắp, thu hút được sự tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân, sự vào cuộc tích cực của cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương. Với vai trò quan trọng trong việc thực hiện các tiêu chí phụ trách, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh đã chủ động, tích cực triển khai thực hiện, góp phần không nhỏ vào thành tích chung của tỉnh.

Lãnh đạo Sở Lao động TB và XH phát biểu tại Ngày Hội việc làm việc làm huyện Hàm Yên

Thời gian qua, để thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới do ngành phụ trách, Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Tuyên Quang đã chủ động thông tin tuyên truyền tới cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong ngành về chủ trương, chính sách thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới để mỗi cán bộ, đảng viên và người lao động nhận thức được vài trò, trách nhiệm và nhiệm vụ của mình trong công cuộc xây dựng nông thôn mới gắn với Phong trào thi đua “Tuyên Quang chung sức xây dựng nông thôn mới”.

Ông Lê Văn Háu, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, để thực hiện nhiệm vụ được giao và góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới của tỉnh năm 2019, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã chủ động xây dựng thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn, đồng thời tham mưu cho tỉnh giao chỉ tiêu kế hoạch về các lĩnh vực: Giảm nghèo, đào tạo nghề cho người lao động, hỗ trợ, giải quyết việc làm, bình đẳng giới cho các huyện, thành phố trong đó chú trọng các xã trong kế hoạch đạt nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao năm 2019.

Ông Lê Văn Háu cho biết thêm, từ những lỗ lực của ngành, cùng với sự phối hợp chặt chẽ của các huyện, thành phố trong việc chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ nhằm từng bức củng cố, hoàn thiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Đến nay, một số tiêu chí, chỉ tiêu được giao phụ trách đạt được những kết quả hết sức quan trọng: tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 15,38% cuối năm 2018, ước giảm xuống còn 12,18% cuối năm 2019.

Công tác tư vấn giới thiệu việc làm và đào tạo nghề được quan tâm chỉ đạo thực hiện. Trong năm đãtổ chức 4 Ngày Hội việc làm tại các xã của huyện Lâm Bình, Na Hang, Hàm Yên, Yên Sơn, thu hút 78 lượt doanh nghiệp, các cơ sở dạy nghề trong và ngoài tỉnh tham gia tuyển dụng, tuyển sinh. Đồng thời triển khai các biện pháp phân luồng, định hướng giáo dục nghề nghiệp đối với học sinh tốt nghiệp bậc học trung học cơ sở, trung học phổ thông. Đối với lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp đã chú trọng thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, tư vấn giới thiệu việc làm giúp người lao động nhanh chóng tìm được việc làm mới.


Dạy nghề Sửa chữa máy nông nghiệp cho lao động nông thôn tại huyện Na Hang

Với việc thực hiện tốt nhiệm vụ kế hoạch, đến nay đã giải quyết việc làm cho 24.350 lao động, đạt 118,78% kế hoạch năm. Trong đó, giải quyết việc làm trong các ngành kinh tế tại tỉnh 16.945 lao động; lao động đi làm việc tại các tỉnh, thành phố 6.955 người; xuất khẩu lao động 450 người. cung cấp trên 500 lượt thông tin tuyển dụng lao động trên Web và Đài truyền hình tỉnh, cổng thông tin điện tử Việc làm Quốc gia; tư vấn lao động việc làm và học nghề cho trên 9.298 lượt người; triển khai trợ cấp thất nghiệp cho trên 3.321 lao động, với tổng số tiền 35 tỷ đồng.

Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn cũng được triển khai và đạt một số kết quả nổi bật: đã đào tạo cho trên 9.000 người, trong đó đào tạo trình độ Cao đẳng là 78 học viên; trình độ Trung cấp là 485 học viên; trình độ Sơ cấp và dạy nghề thường xuyên là 8.437 học viên, đạt 112,5 % kế hoạch. Trong đó đào tạo nghề theo “Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn” là 3.185 người, đạt 100% kế hoạch. Qua đó đã góp phần nâng tỷ lệ qua đào tạo từ 51,3% năm 2017 lên 54,0% năm 2018 và 57,0% năm 2019. Trong đó tỷ lệ qua đào tạo nghề lần lượt là 31,0% năm 2017; 33,0% năm 2018 và 35,0% năm 2019.

Đối với chỉ tiêu đảm bảo bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình; bảo vệ và hỗ trợ những người dễ bị tổn thương trong các lĩnh vực của gia đình và đời sống xã hội, ngành đã ban hành văn bản hướng dẫn hoạt động Vì sự tiến bộ của phụ nữ triển khai đến các ngành, thành viên Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh, các sở, ngành, các huyện, thành phố tổ chức thực hiện. Triển khai Mô hình địa chỉ tin cậy - nhà tạm lánh tại cộng đồng, lựa chọn xã Phúc Thịnh - huyện Chiêm Hóa để làm thí điểm Mô hình. Đồng thời tổ chức đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho các đại biểu đại diện Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ các cấp trên địa bàn tỉnh về kiến thức về bình đẳng giới, về biện pháp phòng ngừa và ứng phó với bạo lực tại trường học.


Tổ chức Hội nghị tập huấn về công tác Bình đẳng giới tại huyện Sơn Dương

Từ những cố gắng và lỗ lực của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã góp phần không nhỏ vào hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Các tiêu chí, chỉ tiêu thuộc lĩnh vực ngành quản lý, phụ trách đều tăng hoặc giữ vững. Với các giải pháp cụ thể để thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, tin tưởng rằng trong những năm tiếp theo ngành Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục có những đóng góp quan trọng  trong sự nghiệp xây dựng nông thôn mới của tỉnh nhà./.

Phạm Đình Tuyên/VPĐP NTM tỉnh

Tin cùng chuyên mục