Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Tuyên Quang năm 2020

Ngày 10 tháng 02 năm 2020, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 14/KH-UBND về kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Tuyên Quang, năm 2020.

Sản xuất Chè VietGap tại xã Tân Thành, huyện Hàm Yên.

Theo Kế hoạch số 14/KH-UBND, mục tiêu năm 2020 tỉnh Tuyên Quang phấn đấu nâng số tiêu chí bình quân toàn tỉnh lên trên 15 tiêu chí/xã; có thêm 10 xã (Thanh Tương, huyện Na Hang; Trung Hòa và Nhân Lý, huyện Chiêm Hóa; Phù Lưu và Minh Dân, huyện Hàm Yên; Thắng Quân, Tứ Quận và Tiến Bộ, huyện Yên Sơn; Hợp Thành và Thiện Kế, huyện Sơn Dương) hoàn thành đạt chuẩn xã nông thôn mới năm 2020. Duy trì, giữ vững, nâng cao chất lượng các tiêu chí tại các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới đến hết năm 2019; có 03 xã (Mỹ Bằng và Thái Bình, huyện Yên Sơn và Tràng Đà, thành phố Tuyên Quang) đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao; có ít nhất 14 thôn (02 thôn/huyện, thành phố) được công nhận “Thôn nông thôn mới kiểu mẫu”; ít nhất 21 vườn hộ gia đình (03 vườn/huyện, thành phố) được công nhận “Vườn mẫu nông thôn mới”.

Cũng theo nội dung kế hoạch, tỉnh Tuyên Quang đã đặt ra nhiều những giải pháp quan trọng nhằm hoàn thành mục tiêu năm 2020 đã xác định. Nhiệm vụ và giải pháp đầu tiên được tỉnh đề ra là tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng các thông tin, hình thức tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới trên phương tiện thông tin đại chúng, các trang thông tin điện tử của tỉnh, ngành, địa phương. Đổi mới các hình thức tuyên truyền như hội nghị, hội thảo, hội thi, sân khấu hóa…, tích cực đưa tin về các tấm gương tiêu biểu, điển hình, những cách làm hay, sáng tạo trong xây dựng nông thôn mới. Tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chỉnh trang nhà cửa, bảo vệ cảnh quan môi trường, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, giữ gìn an ninh trật tự. Chú trọng thực hiện tuyên truyền, vận động thực hiện Bộ tiêu chí “Thôn nông thôn mới kiểu mẫu” và “Vườn mẫu nông thôn mới’. Tiếp tục tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực tham mưu chỉ đạo, điều hành và trực tiếp tổ chức thực hiện ở cơ sở cho cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới cấp huyện, xã, thôn bản.

Bên cạnh đó, giải pháp lồng ghép hiệu quả nguồn lực từ các chương trình, dự án cũng được xác định cụ thể, đặc biệt là việc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ, chất lượng thực hiện kế hoạch năm 2020 về xây dựng kênh mương nội đồng, bê tông hóa đường giao thông nội đồng, xây dựng nhà văn hóa thôn, bản gắn với sân thể thao và khuôn viên. Thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, xây dựng và triển khai các dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm. Tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ phát triển sản xuất gắn với thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân tiếp cận với các chính sách về hỗ trợ phát triển sản xuất.

Đối với xã đăng ký hoàn thành đạt chuẩn nông thôn mới theo kế hoạch, cần tập trung nguồn lực đầu tư, hỗ trợ từ các nguồn vốn, các chương trình, dự án để thực hiện hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới đối với 10 xã đăng ký hoàn thành đạt chuẩn xã nông thôn mới và 03 xã phấn đấu hoàn thành đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao năm 2020.

Để thực hiện hoàn thành mục tiêu đảm bảo hết năm 2020 nâng số tiêu chí bình quân trên địa bàn tỉnh lên trên 15 tiêu chí/xã: Các sở, ngành, UBND huyện, thành phố xây dựng kế hoạch chi tiết để tổ chức thực hiện hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2020; tổ chức triển khai kế hoạch củng cố, duy trì và giữ vững 19/19 tiêu chí tại các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới đến hết năm 2019.

Về thực hiện bộ tiêu chí xã kiểu mẫu, thôn mẫu, vườn mẫu: Các sở, ngành phụ trách tiêu chí, chỉ tiêu ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện Bộ tiêu chí; tăng cường công tác hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, đánh giá tiến độ và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình tại cơ sở. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố: Chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện Bộ tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu, thôn nông thôn mới kiểu mẫu và vườn mẫu nông thôn mới để tổ chức thực hiện đảm bảo hoàn thành mục tiêu năm 2020 đã xác định.

Một giải pháp quan trọng được tỉnh xác định đó là phân bổ nguồn vốn hỗ trợ thực hiện Chương trình năm 2020 từ ngân sách Trung ương đảm bảo bám sát mục tiêu phấn đấu đạt chuẩn và củng cố, nâng cao chất lượng tiêu chí tại các xã. Cùng với đó, việc huy động đa dạng nguồn lực: Tranh thủ các nguồn tài trợ trong nước và quốc tế thông qua các chương trình, dự án về nông nghiệp, nông thôn; rà soát, phân loại các dự án đầu tư, nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất để có cơ chế lồng ghép và sử dụng hợp lý nguồn vốn theo từng chương trình, dự án; huy động đóng góp tự nguyện từ nhân dân trên cơ sở phù hợp với khả năng; huy động các nguồn lực từ cộng đồng xã hội, các doanh nghiệp, các tổ chức cá nhân tham gia đóng góp xây dựng nông thôn mới;… để hỗ trợ đầu tư thực hiện Chương trình cần được tập trung chỉ đạo thực hiện một cách hiệu quả.  


Nhà văn hóa thôn Thác Nóng, xã Sơn Nam, huyện Sơn Dương - Công trình thực hiện theo chính sách: Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ

Theo Kế hoạch, Ủy ban nhân dân tỉnh giao nhiệm vụ cho các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch, giải pháp cụ thể để chủ động tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch; tập trung chỉ đạo, huy động nguồn lực để thực hiện Chương trình; tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn các xã triển khai thực hiện, kịp thời tháo gỡ, khắc phục khó khăn, vướng mắc để hoàn thành kế hoạch được giao, đặc biệt phải phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, tích cực của người dân tham gia thực hiện xây dựng nông thôn mới.

Trần Gia Lam/VPĐP NTM tỉnh

Tin cùng chuyên mục