Huyện Yên Sơn chú trọng công tác dạy nghề gắn với giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn.

Những năm qua, huyện Yên Sơn luôn chú trọng tới công tác dạy nghề gắn với giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn đã mang lại hiệu quả tích cực góp phần củng cố tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Học viên đang thực hành sủa chữa máy nông nghiệp ở xã Phúc Ninh, huyện Yên Sơn

Để công tác đào tạo nghề phát huy được hiệu quả, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, huyện Yên Sơn đã tạo điều kiện thuận lợi cho lao động nông thôn tham gia các lớp đào tạo nghề. Nhờ đó nhiều lao động nông thôn sau khi hoàn thành khóa đào tạo nghề đã tìm được việc làm ổn định. Để sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí dành cho đào tạo nghề, Yên Sơn đã tổ chức các lớp đào tạo nghề dựa trên nhu cầu thực tế của người lao động; đồng thời, gắn đào tạo nghề với quy hoạch sản xuất và những cây trồng, vật nuôi có thế mạnh của từng địa phương. Các nội dung hỗ trợ sản xuất được gắn với các lớp dạy nghề cho người nông dân nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn hỗ trợ, góp phần hoàn thành mục tiêu nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác đào tạo nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn.


Cấp giấy Chứng nhận trình độ Sơ cấp nghề cho học viên tại xã Kim Quan, huyện Yên Sơn

Ghi nhận tại xã Kim Quan, huyện Yên Sơn, chúng tôi được biết, nguồn thu nhập chính của bà con chủ yếu từ trồng trọt, chăn nuôi, nhưng do nhận thức của người dân trong việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông, lâm nghiệp và chăn nuôi còn hạn chế nên hiệu quả chưa cao, tỷ lệ hộ nghèo của xã đến cuối năm 2018 vẫn còn trên 23%. Xác định đào tạo nghề cho lao động nông thôn có vai trò quyết định trong việc bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, khoa học kỹ thuật cho người dân, để từ đó người dân nâng cao trình độ, tay nghề từng bước nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi. Chính quyền xã Kim Quan đã tích cực, chủ động phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Yên Sơn mở các lớp dạy nghề cho lao động nông thôn gắn với giải quyết việc làm tại chỗ cho người dân. Từ năm 2017 đến nay, trên địa bàn xã Kim Quan đã mở 5 lớp dạy nghề cho lao động với gần 175 người tham gia. Kế hoạch năm 2019 mở 02 lớp dạy nghề chăn nuôi gia súc, với 70 học viên. Đến nay có 01 lớp đã hoàn thành, 01 lớp dự kiến 12/9/2019 khai giảng.

Hiện nay, việc đào tạo nghề ở Yên Sơn được thực hiện theo phương châm “cầm tay chỉ việc”, tức là dạy nghề giữa lý thuyết và thực hành song song với nhau nên đã giúp các học viên dễ hiểu, dễ áp dụng kiến thức vào thực tế, nhất là đối với lao động là người dân tộc thiểu số. Anh Đặng Văn Minh, thôn Khuôn Hẻ xã Kim Quan cho biết, kinh tế gia đình anh chủ yếu dựa vào đồng ruộng và chăn nuôi. Gia đình tôi thuộc hộ nghèo, thời gian qua được các ban ngành, đoàn thể trao tặng cho 01 con bò sinh sản. Sau khi được nhận bò lại được tham gia vào lớp học nghề kỹ thuật chăn nuôi trâu, bò do trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Yên Sơn mở. Qua hơn 01 tháng học tập, đến nay tôi đã hiểu biết về quy trình sinh trưởng và phát triển của trâu, bò và một số vật nuôi khác, đã có kiến thức về cách chọn con giống, thức ăn, cách phòng chống bệnh cho vật nuôi…


Học viên đang thực hành nghề mây tre đan tại xã Nhữ Hán, huyện Yên Sơn

Đào tạo nghề theo nhu cầu của người học, gắn với những tiềm năng thế mạnh của địa phương là mục đích để những người làm công tác đào tạo nghề ở Yên Sơn hướng tới. Nhờ vậy, sau khi học xong, người lao động có cơ hội áp dụng những kiến thức đã học để phát triển kinh tế gia đình. Ông Đặng Xuân Cường, Giám đốc trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Yên Sơn trao đổi, năm 2019, trung tâm được giao kế hoạch triển khai mở 07 lớp dạy nghề cho lao động nông thôn, trong đó có 03 lớp dạy nghề lĩnh vực phi nông nghiệp và 04 lớp dạy nghề lĩnh vực nông nghiệp, đến nay đã hoàn thành kế hoạch. Dự kiến từ nay đến cuối năm tiếp tục mở thêm 02 lớp đào nghề cho lao động tại các xã. Trong công tác đào tạo, Trung tâm luôn thực hiện phương châm học lý thuyết đi đôi với thực hành. Đối với cây trồng thì thực hành ngay tại ruộng, nương, đồi; đối với vật nuôi thì hướng dẫn tại hộ gia đình theo hình thức cầm tay chỉ việc. Nhiều lớp dạy nghề dựa trên thế mạnh địa phương và gắn với xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là các xã mục tiêu hoàn thành đạt chuẩn trong giai đoạn, với các nghề như: trồng chè, trồng rau, chăn nuôi gia súc, gia cầm, sửa chữa máy nông nghiệp… Từ đó, người dân đã nắm bắt được những kỹ thuật để áp dụng vào thực tế sản xuất.

Cũng theo đồng chí Giám đốc trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Yên Sơn, từ năm 2010 đến nay, trung tâm đã mở và đào tạo 135 lớp dạy nghề cho 4.656 học viên. Qua theo dõi và đánh giá hàng năm có trên 80% lao động sau khi học nghề gắn được với việc làm ổn định, cho thu nhập tốt hơn so với trước khi học nghề. Để công tác dạy nghề ngày càng hiệu quả, trong thời gian tới, đơn vị tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tăng cường công tác tuyên truyền; cử cán bộ đến các thôn, xã, trường học để hướng nghiệp cho học sinh và lao động nông thôn, qua đó góp phần hoàn thành chỉ tiêu giáo dục đào tạo trong sự nghệp xây dựng nông thôn mới của địa phương./.

Phạm Đình Tuyên/VPĐP NTM tỉnh

Tin cùng chuyên mục