Đột phá từ cánh đồng mẫu ở An Khang

TQĐT - Được triển khai từ năm 2013, mô hình cánh đồng mẫu ở xã An Khang (TP Tuyên Quang) đã dần giải quyết được việc sản xuất nông nghiệp manh mún từ trước tới nay của người nông dân. Từ đó, địa phương có hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa.

Cánh đồng mẫu của An Khang được quy hoạch tại cánh đồng Ruộc với diện tích trên 10 ha, thuộc 3 thôn An Lộc A, An Lộc B và Thúy An. Việc quy hoạch cánh đồng mẫu đã được xã manh nha trước đây hàng chục năm nhưng phải đến giai đoạn 2010-2015, khi xã làm điểm Chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh thì việc dồn điền, đổi thửa, hình thành các mảnh ruộng lớn tại khu vực này mới chính thức được thực hiện. Các hộ trước đây có nhiều mảnh ruộng manh mún, bờ thửa nhiều thì nay được đổi dồn về 1 khu đồng, xóa bờ để sản xuất tập trung.

Từ khi dồn điền, giống lúa được trồng nhiều nhất ở đây là giống BC15. Giống lúa này có chất lượng gạo ngon, ít sâu bệnh, lại năng suất cao so với nhiều giống lúa thuần nên được Hợp tác xã lựa chọn và vận động bà con trồng cấy. Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ Nông lâm nghiệp An Khang cho biết, sau khi quy hoạch thành cánh đồng mẫu, hợp tác xã đã tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan để hướng dẫn bà con áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng lúa, đặc biệt là áp dụng sản xuất theo hình thức 3 cùng: Cùng giống, cùng trà, cùng quy trình chăm sóc. Việc sản xuất 3 cùng này đã tạo điều kiện cho cơ giới hóa sản xuất. Hiện 100% diện tích làm đất và thu hoạch của bà con đều sử dụng máy móc.


Cán bộ Hợp tác xã dịch vụ Nông, lâm nghiệp An Khang (TP Tuyên Quang) kiểm tra
quá trình sinh trưởng, phát triển của cây lúa trên cánh đồng mẫu.

Bà Nguyễn Thị Tình, thôn An Lộc A cho biết, gia đình bà có hơn 3 sào lúa tại cánh đồng mẫu. Mấy năm nay, được sự vận động của Hợp tác xã, vụ nào bà cũng cấy cùng một loại giống với bà con, hầu hết là giống BC15. Trước mỗi vụ sản xuất, bà được tham gia các lớp tập huấn về chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại lúa, cách theo dõi đồng ruộng để đảm bảo năng suất, sản lượng lúa. Ruộng của gia đình bà cũng thường xuyên được hợp tác xã chọn để thực hiện thí điểm các dự án giống lúa, phân bón và ứng dụng khoa học kỹ thuật mới cho cây lúa. Điều bà Tình cảm nhận rõ nhất từ khi thực hiện phương châm 3 cùng là việc trồng lúa dễ hơn trước kia rất nhiều, năng suất lúa đạt 2,5 - 2,7 tạ/sào. 

Theo kế hoạch sản xuất hàng hóa trên địa bàn xã đối với cây trồng, vật nuôi, thủy sản có giá trị kinh tế cao giai đoạn 2016-2025, cánh đồng mẫu sẽ được xã quy hoạch mở rộng thêm 10 ha nữa trên cánh đồng này, đưa tổng diện tích cánh đồng mẫu lên trên 25 ha. Trước mắt, xã sẽ tập trung vận động nhân dân thực hiện quy trình sản xuất đồng nhất theo hình thức “3 cùng”, áp dụng “3 giảm, 3 tăng - giảm giống, giảm phân bón, giảm thuốc bảo vệ thực vật; tăng năng suất, sản lượng, chất lượng sản phẩm và tăng hiệu quả kinh tế”… Đồng thời củng cố, sửa chữa hệ thống kênh mương thủy lợi để phục vụ nước tưới cho sản xuất và định hướng sản xuất nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường. Từ năm 2012 đến nay, xã An Khang đã xây dựng trên 70 bể chứa vỏ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật trên diện tích sản xuất nông nghiệp toàn xã, riêng trên cánh đồng mẫu có gần 20 bể, góp phần tích cực vào việc xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật, giữ gìn vệ sinh môi trường đồng ruộng...

Ông Trần Ngọc Tân, Chủ tịch UBND xã An Khang chia sẻ, xây dựng cánh đồng mẫu rất hợp với thời điểm diện tích sản xuất nông nghiệp đang dần bị thu hẹp hiện nay, thúc đẩy cho việc hình thành vùng sản xuất tập trung của xã. Tuy nhiên, do diện tích đất nông nghiệp ở An Khang ít, tại khu vực cánh đồng mẫu, mỗi gia đình cũng chỉ có từ 2 - 5 sào ruộng, sản xuất chủ yếu phục vụ lương thực cho gia đình, số lượng bán ra không đáng kể. Do đó, sản xuất lúa trở thành sản phẩm hàng hóa là vấn đề lãnh đạo xã rất trăn trở. Thời gian tới, xã An Khang cũng sẽ tổ chức họp các hộ dân có diện tích ruộng trong quy hoạch cánh đồng mẫu để các hộ dân tự nguyện đổi đất để dồn điền đổi thửa, mở rộng diện tích của cánh đồng mẫu. Ngoài cánh đồng mẫu trồng lúa, xã An Khang cũng đang thực hiện quy hoạch các vùng sản xuất rau an toàn, vùng trồng bưởi, nhãn tập trung, mỗi loại 10 ha. Đây được coi là bước đột phá trong thúc đẩy phát triển nông nghiệp của xã, góp phần duy trì và nâng cao chất lượng tiêu chí thu nhập trong xây dựng nông thôn mới mà xã đã đạt được.

Bài, ảnh: Thùy Linh

Tin cùng chuyên mục