Nguồn vốn tín dụng phục vụ xây dựng nông thôn mới

Những năm qua, ngành Ngân hàng tỉnh đã triển khai nhiều chính sách ưu tiên nguồn vốn tín dụng cho Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Nguồn vốn đã tạo thuận lợi để các địa phương hoàn thành các tiêu chí, nhất là hỗ trợ người dân xây dựng mô hình kinh tế, nâng cao đời sống.
VietinBank tài trợ vốn xây dựng trường Mầm non Khuôn Hà (Lâm Bình).

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước tỉnh, hiện tổng dư nợ cho vay các thành phần kinh tế đạt gần 16.800 tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay xây dựng nông thôn mới chiếm 50% trong tổng dư nợ. Đặc biệt, dư nợ cho vay tại 30 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới là hơn 2.540 tỷ đồng. Đối với các xã phấn đấu về đích nông thôn mới năm 2019, vốn tín dụng đã giải ngân là hơn 330 tỷ đồng.

Từ nguồn vốn vay đã giúp nhiều gia đình đã vượt qua khó khăn vươn lên làm giàu hiệu quả. Gia đình anh Phan Văn Tuyển, thôn Trầm, xã Hợp Thành (Sơn Dương) được LienVietPostBank Tuyên Quang - Phòng Giao dịch Sơn Dương tạo điều kiện cho vay vốn hơn 400 triệu đồng đầu tư phát triển kinh doanh các loại cây cảnh, cây trồng làm bóng mát để cung cấp cho thị trường. Ngay khi có vốn, anh Tuyển đã đầu tư mua phân bón, nhập một số loại cây bóng mát, cây trồng làm thảm trang trí khuôn viên, công viên và các loại hoa hồng, hoa lan bán cho khách hàng… Cũng nhờ có nguồn vốn của ngân hàng mà việc kinh doanh của anh gặp nhiều thuận lợi. Năm 2018 gia đình anh thu lãi gần 200 triệu đồng.  

Còn gia đình anh Lù Văn Giang, thôn Bản Ban, xã Phù Lưu (Hàm Yên) cũng nhờ được tiếp cận nguồn vốn ngân hàng đầu tư phát triển trang trại trồng cam hiệu quả. Anh được Phòng Giao dịch Agribank Phù Lưu cho vay 500 triệu đồng chăm sóc 13 ha cam đang cho thu hoạch. Trước kia, doanh thu của gia đình chỉ khoảng 300 - 500 triệu đồng/năm, từ năm 2016 đến nay đã đạt hơn 1 tỷ đồng/năm, trừ chi phí  thu lãi 500 - 700 triệu đồng.

Ngoài nguồn vốn của các ngân hàng thương mại, kênh tín dụng chính sách xã hội, góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo của địa phương. Trong 5 năm qua, đã có 147.573 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Từ năm 2014 đến nay, vốn tín dụng chính sách đã giúp hơn 54.000 hộ thoát nghèo, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh cuối năm 2018 theo chuẩn nghèo đa chiều là 15,38%. 

Ngoài việc cho vay để người dân phát triển sản xuất, nhiều năm nay các ngân hàng còn quan tâm thực hiện các chương trình an sinh xã hội, tài trợ làm nhà văn hóa, trường học, hỗ trợ hộ nghèo làm nhà ở, góp phần xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn trong xây dựng nông thôn mới. Điển hình là Ngân hàng VietinBank đã tài trợ vốn xây dựng trường Mầm non, Tiểu học Khuôn Hà (Lâm Bình), trường Mầm non Sầm Dương (Sơn Dương), làm 103 căn nhà ở cho người nghèo trên địa bàn tỉnh, 1 nhà bếp ăn của trường PTDT nội trú THCS Na Hang (Na Hang), 1 nhà văn hóa xã Kim Quan (Yên Sơn)…

Là 1 trong 6 xã đăng ký về đích nông thôn mới năm 2019 của tỉnh, đến thời điểm này, xã Thái Bình (Yên Sơn) đã đạt 17/19 tiêu chí. Ông Nguyễn Mạnh Dũng, Chủ tịch UBND xã Thái Bình cho biết, đạt được kết quả đó là nhờ có sự hỗ trợ đắc lực của nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Tổng dư nợ trên địa bàn xã đạt hơn 39 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, hàng trăm hộ được vay vốn đã đầu tư phát triển sản xuất, xây dựng vườn mẫu và các mô hình kinh tế từ trồng na, nhãn, trồng rừng, phát triển chăn nuôi…

Ông Trịnh Ngọc Tuấn, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh nhấn mạnh, thời gian tới Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh chủ động cân đối nguồn vốn ưu tiên cho vay nông nghiệp, nông thôn; qua đó cùng chung tay, góp sức với các địa phương thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Bài, ảnh: Hải Hương/Báo Nông nghiệp

Tin cùng chuyên mục